Xin giới thiệu với quí bà con bài bút ký ngắn của Ô.Trần Thiện Thân kể về một đoạn thời gian Ông Trần Văn Hàm (Còn gọi là Trần Hàm, Phái Hai, Đời Thứ 11) sống ở quê nhà Xuyên Tây (Duy Xuyên). Ông Trần Hàm là em ruột Ông Quan Hường (Trần Dĩnh). Ông Thân là cháu gọi Ô.Hàm bằng Chú ruột như quí bà con sẽ thấy “Chú Mười” trong bài bút ký này.

Trần Văn Thông

Cháu nội đích tôn của Ông Trần Hàm

-----------------------------------------------------------

                                                             CÂY MỐC

                                                                               Bút ký

     Chú Mười, chú Mười…dân làng gọi chú kìa!

Không gian tĩnh lặng của căn nhà 3 gian vùng quê bị khuấy động bởi tiếng gọi nhỏ nhưng dồn dập của người chị dâu, chú Mười choàng tỉnh ra khỏi trạng thái nhập định hằng ngày của chú.

     Chú Mười, bởi chú là người con thứ 9 của nội tôi, tên thật là ông Trần Hàm, tên con là Ấn, một kiến trúc sư cầu đường hiếm hoi thời Pháp. Chú, một nhân vật bí ẩn, văn võ toàn tài,,sau khi đỗ đạt, chú nhận việc tại Phú Yên, xây dựng đường hầm đèo Cả của trục đường sắt xuyên Việt, nghe đâu vào những năm 1934. Mãi đến năm 1946 chú lại về quê Xuyên Tây-Duy Xuyên, ở trong đại gia đình nội tôi cùng người vợ quê Tam Kỳ, một tiểu thư con nhà quyền quý, thời đó người đàn bà mà đỗ tú tài như thiếm quả là của hiếm.

     Cuộc sống của chú thong dong trong cơn đói kém của dân làng thời đó, theo lời mẹ tôi kể lại, chú đang có chí thoát tục, nên hàng ngày chú thường trầm mặc cùng kinh kệ ngoài những lúc tham thiền nhập định…Hầu như chưa ai biết chú cùng vợ thường có những cuộc đấu khẩu, do sự nhói lòng của một người đàn bà có khả năng để người đàn ông của đời mình vụt khỏi tầm tay, ngoài cha tôi khi ông trả lời thắc mắc của mẹ tôi : Bà lên nghe chú thiếm nó tranh cãi nhau kìa!( Chú thiếm nó nói tiếng tây xí lô xí là cái chi rứa ông ?).

     Chú Mười thong thả bước ra sân, một nhóm dân làng đang thở hào hển, gọi chú và kể sơ lược sự kiện đang diễn ra ở cuối làng. Nghe xong, lập tức chú cùng những người dân đi nhanh ra bến Quyên hướng về bàu Đụng. Nơi ấy, dân 2 làng Xuyên Tây – Hà Mật đang đối đầu.

     Số là, ranh giới địa lý tự bao đời của 2 làng cặp kè nhau tại bàu Đụng ( có lẽ từ Đụng là có lý do của nó). Ranh giới là do con người qui ước nên không có gì cụ thể, sự lấn giành ranh giới của 2 chủ đất liền kề nhau ở bàu Đụng là nguyên cớ xung đột bao đời của dân 2 làng.

     Sáng nay, sự xung đột có nguy cơ diễn ra to, do xích mích từ những ngày qua, dân 2 làng tập trung rất đông, đang hằm hè nhau, kẻ đòn càng ( đòn khiêng bủa kén của nghề nuôi Tằm), người đòn xóc ( đòn tre nhọn 2 đầu dùng gánh lúa bó), người côn gỗ, kẻ đòn gánh. Có cái hay, dân 2 làng chưa bao giờ dùng vũ khí là dao, rựa hay mã tấu. Có lẽ, người ta không muốn xảy ra cảnh chém giết nguy hiểm đến tính mạng, làm sứt mẻ hẳn tình cảm giao hảo của 2 làng. Dân làng 2 bên đang giương oai diễu võ. Những kẽ có võ đang dùng gậy tre múa những đường côn pháp, hoặc múa những bài quyền cổ truyền…cốt đe nhau. Tiếng la hét đang lúc cao trào, có khả năng xảy ra xáp chiến.

     Khi cái bóng nhỏ nhắn của chú Mười xuất hiện, bằng những bước chân nhanh, mạnh, dứt khoát. Chú bước vào khoảng trống giữa 2 làng khoát tay. Tiếng ồn ào chợt im bặt, nhiều võ sĩ đang vung côn, múa quyền cũng lập tức dừng lại. Có lẽ câu chuyện còn nóng hổi ở làng đã có tác động mãnh liệt…

     … Đó là ngày chú mới ở Phú Yên về, giai đoạn 1946 đến 1950, cái đói không chừa một khoảnh đất nào trên toàn cõi Việt Nam, người người đói, đói xanh mắt, đói vàng da, đói do hạn hán, đói do sưu cao thuế nặng, đói do bòn rút của cường hào, ác bá…Nói chung là đói, nghe mẹ tôi kể lại, đa phần người ta phải bòn từng củ chuối ngày nào dùng để làm chất độn nuôi heo, ăn sống lay lắt qua ngày.

     Bần cùng sinh đạo tặc, một sáng, lúc khoảng 4 giờ, khi gà đã gáy tàn canh, chợt chuồng gà sau nhà nội tôi vang lên một tiếng oác khô khốc rồi im bặt, chỉ thoáng như có tiếng bước chân vội vàng rời khỏi chuồng gà. Chú Mười tôi đang ngồi thổ nạp tọa công, lập tức người nhẹ bước lao ra cửa hông nhà, thoáng một bóng người đang vội mấy bước chân về hàng rào phía góc nhà ông Lê Hàn, tay trái cầm con gà trống đang giãy giụa không một tiếng kêu, tay phải đang cầm chiếc trường côn bằng gỗ. Nghe tiếng đằng hắng phía sau của chú Mười, tên trộm lập tức chống côn bay qua hàng rào chè tàu cao quá đầu người. Khi hắn vừa đặt chân xuống đất, thì hoảng hồn trước mặt hắn, chú đã phi thân qua đứng chặn tự bao giờ. Lập tức kẻ trộm buông con gà đã chết xuống, đảo liền cây côn tấn công, bằng cú hạ thấp trọng tâm, chú Mười nhanh chóng nhập nội, dùng thế võ “ Song long đoạt mệnh”, một tay chú đã nhanh chóng bập vào “khúc trì huyệt” nơi khuỷu tay làm hắn tê cứng, tay kia lòn qua nách, choàng lên cổ, giật mạnh cùi chỏ, tên trộm chỉ kịp rên lên một tiếng, buông côn bật ngửa ra đất. Chú đứng yên, nhìn tên trộm lồm cồm bò dậy, một tay buông rũ, một tay chống đất dập đầu lạy như tế sao, kể lể tình cảnh cha đói thập tử nhất sinh, vợ ốm, con thoi thóp…cầu xin tha mạng trước hàng trăm cặp mắt dân xóm Mỹ Hòa đang tập trung xem.

     Đức độ của chú làm người xem cảm động,còn kẻ trộm thì liên hồi lạy tạ, khi chú đỡ hắn dậy, bấm huyệt giải cơn đau, trả chiếc côn và luôn tiện tặng luôn con gà cho hắn đem về giải nguy cho gia đình…

     “Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn ba ngày đường”, các làng lân cận ai cũng muốn diện kiến, thậm chí rất nhiều gia đình mang lễ vật đến xin cho con họ được bái sư học võ. Nhưng tâm thoát thế gian của chú đã mạnh, chú chỉ hiền từ lắc đầu và cũng rất ít khi xuất đầu lộ diện ra ngoài, trừ trường hợp khẩn cấp như hôm nay.

     Bằng lý luận của một người đã thấm nhuần giáo lý cửa thiền, chú giải thích về sự tồn tại của con người trong mối liên kết nhân quả, nghiệp chướng bao đời dẫn đến xung đột và cách chấm dứt nghiệp chướng. Chú cũng không quên nêu lên đạo lý kẻ mạnh kẻ yếu, sự kết oán thù và con đường dẫn đến yêu thương. Hai làng không thể ngoảnh mặt nhau mãi trong tương lai, nếu tạo oán đối chất chồng. Cái cần trước mắt là 2 làng phải vĩnh viễn từ bỏ tranh chấp nhau về ranh giới, giúp thế hệ sau gắn kết yêu thương. Và điều kỳ diệu đã đến,khi chú đứng giữa dân 2 làng, với tiếng hò reo đồng thuận, chú mượn một cây côn bằng gỗ Thiết Lim của một người dân, vận sức chú phóng cây côn đi sâu vào lòng đất, dân 2 làng cùng dùng sức nặng ấn cây côn dài 1m8 lún sâu còn nửa mét. Từ đó, cây côn nầy trở thành CÂY MỐC, cột mốc phân ranh của 2 làng Xuyên Tây- Hà Mật trên dãi đất xưa, nay gọi là bàu Đụng.

     Từ đó, dân 2 làng không còn cảnh giành nhau ranh giới, 2 làng lại có thêm địa danh mới: CÂY MỐC.

     Vùng đất cây Mốc nằm ở cuối bàu Đụng, trũng thấp nhất vùng, đón nhận sớm nhất dòng nước lụt hằng năm tràn về từ sông bến Giá. Nơi ấy, mỗi đầu cây nước lụt, dân 2 làng lại đem rớ ra cất cá, đón những con cá Luối, cá Dưng hỗn đẻ tràn đi, để rồi khi con nước dâng lên cao, người cất rớ lại lùi dần về bến Quyên, bến Lựu, bến Thìn, bến Vạn Loan…

     Chú Mười tôi đã bỏ lại tất cả, danh vọng, tiền bạc, vợ con. Một mình chú biệt tích, chỉ đến khi sau nhiều năm tìm nhắn những đệ tử của người ở xứ Gia Lai heo hút, con cháu mới hay rằng chú đã viên tịch sau khi trở thành trụ trì một ngôi chùa nhỏ tự tay chú xây dựng lên.

 

                                                                              @@@

Sài Gòn, Tháng giêng năm Bính Thân 2016

Trần Thiện Thân